Skip to main content

Các yếu tố bảo vệ thanh thiếu niên vượt qua ý tưởng và hành vi tự sát

Ban đầu, ý tưởng tự sát chỉ là những suy nghĩ thoáng qua về cái chết, dần dần chúng xuất hiện thường xuyên hơn, thúc ép cá nhân lập kế hoạch và đi đến chấm dứt cuộc sống. Từ ý tưởng đến hành vi tự sát là một quá trình đấu tranh giữa ý nghĩa của sự sống và cái chết. Trong quá trình ấy, nhiều thanh thiếu niên đã tìm thấy lý do đích thực của cuộc sống và nhận thức một cách sâu sắc hậu quả của hành vi tự sát, từ đó, giúp các bạn tiếp tục sống mặc dù đầy thách thức, nhưng vô cùng ý nghĩa.

Trong quá trình tham vấn cho thanh thiếu niên, một số bạn thanh thiếu niên đã chia sẻ với chúng tôi như sau: “Sống mà khổ thế này thì sống làm gì, nhiều lúc em nghĩ đến cái chết, nhưng em không chết vì như thế bạn em sẽ bị sang chấn tâm lý, em đã từng chứng kiến cái chết của bạn, sau đó em đã bị khủng hoảng tâm lý trong một thời gian dài”; “Những lúc cảm xúc buồn ập đến, em chỉ muốn chết nhưng em sợ bởi vì em không muốn đau đớn”; “Em còn nhiều dự định chưa thực hiện được, em muốn đến Nhật Bản, viết sách và mở quán café”; “Em cảm thấy cuộc sống như ngục tù, giam trong bốn bức tường, nhiều lúc em nghĩ đến cái chết,.,., trong sâu thẳm đáy lòng em muốn tiếp tục sống nhưng em không biết thoát ra khỏi hoàn cảnh của mình bằng cách nào”; “Em muốn gặp người ấy, nếu người ấy không đến em sẽ chết”.
Những suy nghĩ như trên, chính là yếu tố bảo vệ thanh thiếu niên vượt qua ý tưởng và hành vi tự sát. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tham vấn – trị liệu tâm lý cho biết khi thanh thiếu niên tự tìm thấy lý do để tiếp tục sống chính là lúc thanh thiếu niên vượt qua được ý tưởng và hành vi tự sát. Những lý do khiến thanh thiếu niên tiếp tục muốn sống:
(1) đến từ mối liên hệ với một ai đó;
(2) những dự định chưa thực hiện xong;
(3) nỗi sợ về sự đau đớn khi chết;
(4) nhận ra giá trị của bản thân;
(5) nhớ lại những thành công đã đạt được;
(6) quản lý cảm xúc.
Ngoài các yếu tố tâm lý bên trong đóng vai trò bảo vệ giúp thanh thiếu niên vượt qua ý tưởng và hành vi tự sát, khi một thanh thiếu niên nói với cha mẹ, người thân, thầy cô giáo sự chán nản và suy nghĩ đến cái chết, rất cần một kế hoạch an toàn cho các bạn để phòng ngừa hành vi tự sát xảy ra. Trong đó, nhấn mạnh đến việc gia đình và người thân loại bỏ và kiểm soát được các phương tiện giúp các bạn tự sát, loại bỏ các yếu tố đóng vai trò nguy cơ làm gia tăng hành vi tự sát. Ví dụ như sự mâu thuẫn – xung đột trong gia đình, hành vi bắt nạt học đường; đưa thanh thiếu niên đi thăm khám các nhà chuyên môn: cán bộ y tế chuyên khoa sức khỏe tâm thần, nhà tâm lý học lâm sàng, nhà tham vấn – trị liệu tâm lý. Một kế hoạch toàn diện như vậy sẽ bảo vệ được thanh thiếu niên – giúp các em vượt qua ý tưởng và hành vi tự sát.
Bài viết do TS. Tâm lý học. Nguyễn Bá Đạt thực hiện.
================================
Chi tiết liên hệ:
Hotline: 096 036 1414
Fanpage: Đường dây nóng Ngày mai
Email: hotlinengaymai@gmail.com
Website: https://duongdaynongngaymai.vn/

Có thể bạn quan tâm