Skip to main content

Không muốn làm gì thì … làm gì?

📌Ngẫu nhiên một ngày bạn thức dậy trong sự chán làm và tự hỏi “mình có thực sự cần công việc này không?” Sự chán chường đột ngột này liệu đang cố nói với bạn điều gì?
📌Sức khoẻ đi xuống: Thiếu ngủ hay chất lượng giấc ngủ đi xuống, tiêu thụ quá nhiều cà phê và trà trong ngày cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn uể oải. Thời tiết ẩm ương hay ngồi máy lạnh lâu cũng làm cơ thể dễ bệnh và sức đề kháng đi xuống. Nếu đúng thật vậy, bạn nên đặt hẹn đi gội đầu dưỡng sinh và mát xa chứ đừng vội viết đơn xin việc.
📌Quá tải: Việc chồng việc, bạn không thấy điểm dừng? Sếp khó tính, bạn thấy không được trân trọng? Đồng nghiệp chèn ép, bạn không thể hoà nhập? Dường như có một tỷ lý do để bạn không muốn đi làm và có thể vấn đề không phải do bạn. Theo nghiên cứu từ Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ, 40% người lao động cảm thấy công việc của họ cực kỳ áp lực. Căng thẳng kéo dài sẽ gây nguy hại đến sức khoẻ và tinh thần của người lao động, đòi hỏi cấp trên cần có sự chủ động quan tâm cần thiết. Hãy chủ động ngồi lại với sếp và đề nghị được giúp đỡ vì biết đâu sếp của bạn cũng muốn lắng nghe ý kiến của bạn.
📌Công việc hoặc văn hoá doanh nghiệp chưa phù hợp: HR tuyển bạn về để viết nhưng sếp lại muốn bạn phải thiết kế ảnh? Rõ ràng bạn nhạy cảm nhưng công việc đòi hỏi bạn phải tương tác nhiều với khách hàng? Nhưng vì đồng lương mà bạn ở lại thì có thể việc chán làm kỳ thực là do làm chán. Nếu không tìm thấy ý nghĩa và hứng thú trong việc bạn đang làm, bạn sẽ luôn rơi vào tình trạng trì hoãn mọi thứ. Biết mình biết ta, trăm việc vẫn suôn sẻ.
👉Dưới đây là một số cách để bạn cải thiện tình hình, nếu vẫn không thấy khá hơn hãy nhờ tới sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý hoặc nghiêm túc lên kế hoạch tìm một công việc mới:
  • 🌱Nhìn nhận lại: Xác định nguyên nhân của cảm giác chán nản này có thể giúp bạn thay đổi cuộc sống và cải thiện tình hình.
  • 🌱Dịch chuyển tức thời: vận động nhẹ và ngắn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, tăng mức năng lượng và giúp bạn suy nghĩ, tập trung và quay lại làm việc dễ dàng hơn.
  • 🌱Thay đổi địa điểm hoặc bối cảnh làm việc: Nếu bạn không thể tự chọn địa điểm làm việc cho mình, hãy thay đổi cách bày trí bàn làm việc để mang lại cảm giác sảng khoái và một góc nhìn mới.
  • 🌱Làm việc dễ trước: Cảm giác thành tựu khi giải quyết xong nhiều việc dang dở sẽ tăng sự hưng phấn và tạo động lực cho phần còn lại của ngày làm việc.
  • 🌱Thay đổi thói quen nhỏ: Đi ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn hoặc ăn một bữa sáng lành mạnh khác mọi ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn, bạn hãy thử xem.
  • 🌱Đặt mục tiêu đơn giản và tự thưởng cho chính mình: Phần thưởng không nhất thiết phải đắt tiền hay tốn kém, đều quan trọng là cảm giác mà nó mang lại.
  • 🌱Lên kế hoạch cho kỳ nghỉ: một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho phép bạn trở lại sảng khoái. Mặc dù bạn có thể không thực hiện được ngay, nhưng bạn có thể lên kế hoạch ngay hôm nay. Điều gì đó để mong đợi sẽ tốt hơn là luôn thấy buồn chán.
❤ Hãy nhớ rằng chán làm là cảm giác của vài ngày, còn 360+ ngày còn lại có thể bạn đã làm rất tốt. Ngày mai mong bạn thấy mình giỏi vì 360+ ngày đầy nỗ lực đó.

Có thể bạn quan tâm