Skip to main content

Trầm cảm ở thanh niên, người trẻ tuổi

Điều gì khiến cho một số bạn trẻ bị trầm cảm với những triệu chứng điển hình như buồn chán, mệt mỏi, mất hứng thú với mọi việc, chẳng muốn động chân, động tay, chỉ muốn nằm, ngồi một chỗ, rất khó để bắt đầu làm một việc gì đó, dù đơn giản như dọn nhà, đầu óc nặng trĩu, tối trằn trọc khó ngủ, sự tự tin dần dần biến mất thay vào đó là sự ngần ngại, trì hoãn? 

Trong số các triệu chứng nêu trên, sự nghi ngờ bản thân và mặc cảm tội lỗi có lẽ là những yếu tố then chốt duy trì và gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh. Sự nghi ngờ năng lực của bản thân là một kiểu nhận thức, một niềm tin mang tính hủy hoại. 

Sự nghi ngờ bản thân và mặc cảm tội lỗi không phải bỗng dưng xuất hiện, nó được hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ và được củng cố, duy trì trong cuộc sống hàng ngày. Những trải nghiệm quá khứ đó có thể là:

  1. Bị cha mẹ đổ, xả cảm xúc tiêu cực; nhiều khi các bạn bị cha mẹ quát, mắng, chửi và đánh mà không rõ lý do, hay mức độ nặng nề, không tương xứng với lỗi mà các bạn gây ra. Chính cách ứng xử này của cha mẹ đã hình thành nên kiểu suy nghĩ “mình là người có lỗi.” Khi trưởng thành, trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần làm trái ý ai đó hay không làm tốt một việc gì, thì các bạn có xu hướng nhận hết lỗi về mình mà không đánh giá khách quan và rút ra bài học kinh nghiệm cho lần sau. Điều này càng nuôi dưỡng xu hướng sợ sai, mặc cảm và nghi ngờ chính mình.

2. Cha mẹ gây áp lực trong học tập, kỳ vọng vào sự thành công của con trong tương lai. Điều này tạo ra stress triền miên, và ở thời điểm mức độ thành công không còn dễ đo lường như trước, ví dụ như sau khi tốt nghiệp đại học, trầm cảm có thể xuất hiện.

3. Cha mẹ cho là ý kiến, cách làm mình mới là chân lý, không tôn trọng ý kiến và cách làm của con. Khi trưởng thành, nếu tiếp tục sống cùng cha mẹ và bị đối xử như vậy, các bạn sẽ có xu hướng coi mình ít giá trị, từ đó nghi ngờ bản thân và sợ thất bại.

4. Một tuổi thơ khó khăn và gian khổ, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hay người thân. Sau những cố gắng mà vẫn không cải thiện được hoàn cảnh sống của bản thân, các bạn sẽ có xu hướng có tâm lý chấp nhận và đầu hàng trước thách thức trong cuộc sống sau này, cho dù chúng rất nhỏ. Các nhà tâm lý học gọi hành vi này là hành vi tập nhiễm sự thất bại, từ đó dẫn đến buông xuôi, không cố gắng và nỗ lực.

5. Bị xâm hại và lạm dụng tình dục. Hậu quả nghiêm trọng nhất của nó là khiến cho các em có suy nghĩ mình là người có lỗi trong việc mình bị xâm hại. Khi trưởng thành, suy nghĩ ấy thường trực trong tâm trí, dẫn tới mặc cảm, tự ti, không dám làm điều gì, hay muốn biến mất.

Bắt nguồn từ những trải nghiệm tuổi thơ bất lợi và tiêu cực nêu trên, nhiều người trẻ không nhận ra rằng mình đang mang một cơ chế đánh giá bản thân sai lầm, mang tính tự huỷ hoại, và có nguy cơ cao dẫn tới trầm cảm. Trong những trường hợp này, tham vấn – trị liệu tâm lý là phương thức hiệu quả để các bạn nhìn nhận và đánh giá lại bản thân, phòng ngừa và vượt qua trầm cảm. 


Chi tiết liên hệ

Fanpage: Đường dây nóng Ngày mai

Email: hotlinengaymai@gmail.com

Hotline: 096 306 1414

Có thể bạn quan tâm