Skip to main content

Đối mặt với sang chấn tuổi thơ và sự vô cảm của người xung quanh

– Chia sẻ từ TS. Đặng Hoàng Giang –
(Bạn đọc lưu ý, bài viết này này chia sẻ câu chuyện thật của người trầm cảm nên có thể gây kích động tâm lý.)
Hành trình tự chữa lành đầy thăng trầm của Hằng*, một cô gái hai mươi chín tuổi vật lộn với trầm cảm và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, hé mở cho người đọc thấy những hậu quả khôn lường của những vết thương tuổi thơ, sự độc ác bắt nguồn từ sự vô cảm của những người xung quanh và những cố gắng khổng lồ của những người như cô để ở lại với cuộc sống. Có bao nhiêu người như Hằng đang ở ngoài kia? Câu chuyện của cô là một cảnh báo và câu hỏi về trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

1. Vết thương chồng chất vết thương
Từ xa Hằng đã thấy mấy đứa lố nhố đứng gần cổng nhà mình, những đầu thuốc của chúng cháy đỏ trong đêm. Trống ngực đập thình thịch, cô ngoặt vào một ngõ nhỏ, ngồi tựa lưng vào bờ tường ướt sương.
Dù bố mẹ Hằng đã ly dị và cả cô lẫn bố đều chẳng biết mẹ đã trốn đi đâu, nhưng dân xã hội đen vẫn tìm đến họ. Trước đó, mẹ đã lẳng lặng gán cái nhà mà Hằng và mẹ đang ở, khiến cô phải khăn gói tới sống cùng bố mà không hề được báo trước, nhưng món nợ của bà vẫn khổng lồ. Thỉnh thoảng, bọn chúng lại tới bấm chuông, đập cổng, tạt dầu xe máy hay ném xác mèo vào sân. Mấy nhà hàng xóm mở cửa sổ ra nhìn rồi lại khép lại.
Ôm chặt mấy cuốn sách marketing của khóa học buổi tối trước ngực, Hằng lặng lẽ khóc và cầu nguyện. Cô chẳng có ai ở bên.
Sau khi ly hôn, bố Hằng trở nên trầm uất và từ lúc bị tai nạn gãy tay và xương đùi thì ông càng bất mãn và chửi bới nhiều hơn nữa. “Khóc cái gì mà khóc!” Ông sẽ gắt khi Hằng vào viện thăm. “Mày chả được cái tích sự gì cả. Chúng nó ném dầu vào nhà thì mày lau đi!”
Ký ức tuổi thơ của Hằng là sự vắng mặt triền miên của mẹ, là những trận cãi chửi nhau của bố mẹ khi bà ở nhà, là những lời miệt thị bố đổ lên đầu cô khi ông không đổ lên đầu vợ mình được. Dần dần Hằng thấy mình chính là những lời miệt thị đó – cô đáng bị ghét, bị khinh, không xứng đáng để mà sống.
Ở trường, cô bé Hằng không dám và không biết làm thế nào để kết bạn dù rất thèm. Trong lớp, cô im lặng nghe bài, giờ ra chơi, cô lặng lẽ dõi theo các bạn chạy nhảy trong sân trường, hết giờ, cô im lặng cho sách vở vào cặp. Ở trường về, Hằng tắt đèn và ngồi khóc trong bóng tối.
Những đau khổ của Hằng có một điểm khởi đầu nữa mà cô không thể nào quên, tuy ký ức của cô đã ức chế nhiều chi tiết về nó. Hồi bảy tuổi, bố hay đưa Hằng tới nhà bác và nói, “Lên gác chơi với anh đi con.” Trên gác, cậu anh họ mười bốn tuổi làm với cô những điều mà cô còn quá nhỏ để hiểu nó là gì, cô chỉ thấy bứt rứt và ghê sợ. Hằng tìm cách nói với bố, nhưng ông gạt đi và vẫn tiếp tục dẫn con tới nhà anh trai mình. Chuyện lặp lại bốn, năm lần nữa trong vòng mấy tháng.
Như một cơ chế phòng vệ, Hằng lớn lên với mong muốn mình vô hình để không thu hút sự chú ý của người khác. Nếu ai đó quan tâm tới cô, nhận biết sự tồn tại của cô, họ có thể hại cô. Cô mặc váy dài hay áo dài tay, cổ cài kín, và có vẻ bề ngoài được cho là khô cứng và xa cách. Bên trong, cô thấy mình là cái gì đó bẩn thỉu. Người lớn xung quanh liên tục nói rằng lớn lên cô sẽ lang chạ tệ hại như mẹ. Hồi cuối cấp Ba, đã có một số lần cô viết thư tuyệt mệnh, nhưng viết rồi lại xé.
Hai năm sau cái đợt bị xã hội đen khủng bố, Hằng chuyển vào Sài Gòn. Ban ngày, cô làm việc cho một trung tâm tiếng Anh, tối cô lủi thủi một mình trong phòng trọ nhỏ đầy ánh sáng neon trắng. Chỗ lui tới duy nhất của cô là một hội thánh Tin lành, cô đến với Chúa trong thời gian hai năm học một khóa thiết kế bên Anh bằng tiền mẹ cho. Trước khi vỡ nợ, số tiền đó là chuyện đơn giản với bà.
Sáu tháng trôi qua, cảm thấy vẫn bế tắc như khi ở Hà Nội, Hằng quyết định lấy chồng theo sự sắp xếp của Hội thánh. Giống Hằng, người đàn ông đấy cũng có một người bố bạo lực và một bà mẹ bỏ nhà biền biệt. Trong Hội thánh có nhiều người như vậy, họ vỡ nợ, không còn gì để bấu víu vào, hoặc họ chẳng được ai yêu thương.
Chồng Hằng là người nam giới đầu tiên mà cô gần. Dù có một linh cảm không ổn, Hằng vẫn hy vọng điều này sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Đức tin là điểm chung duy nhất của hai người, và mục đích của cuộc hôn nhân là phục vụ cho Hội thánh chứ không phải là tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, nhưng biết đâu sau này tình cảm sẽ nảy nở, Hằng nghĩ, có gia đình sẽ khiến cô thấy vui vẻ hơn?
Sau một đám cưới đơn giản chỉ có dăm anh em trong Hội thánh và họ hàng gần nhất của Hằng tham dự, vợ chồng cô cùng một số đôi khác được cử vào miền Trung để truyền đạo. Đó là cách phụng sự tốt cho Chúa, Hằng được nghe nói vậy, những phần thưởng Chúa dành cho cô trên thiên đàng sẽ rất lớn. Cô hy vọng cuộc sống sau cái chết của mình sẽ đẹp đẽ hơn cái cô đang có.
Trước mặt Hằng là đĩa cơm rang đã nguội, bên ngoài quán ăn, nắng trưa miền Trung như đổ lửa. Ở bàn bên, chồng Hằng đang làm quen với mấy người thợ công nhật. Hơn hai năm qua, nhóm của vợ chồng Hằng rong ruổi trên các ngả đường. Đi tới đâu, họ thuê nhà tới đó. Hằng thường xin vào các trung tâm dạy tiếng Anh, chồng Hằng sẽ làm gì đó liên quan tới sales.
Ngày của Hằng bắt đầu lúc năm rưỡi sáng với lần cầu nguyện đầu tiên. Ngoài thời gian làm việc kiếm sống, nhóm bắt chuyện với người dân địa phương và kể cho họ về sự tồn tại của Chúa. Cuối ngày, Hằng và các anh chị em hay ngồi cùng nhau trong một quán cà phê bình dân và chia sẻ về những điều kỳ diệu mà Đấng Sáng tạo đem lại, trước khi quay về nhà trọ.
Hằng lấy tay đuổi mấy con ruồi và nhìn hình bóng mình hốc hác và đen sạm phản chiếu qua cửa kính. Cô là ai, cô đang làm gì, đang ở đâu? Hằng thấy mình như một khúc gỗ tạp trôi dạt trên mặt nước.
2. Hậu quả đến từ sự thờ ơ của người thân
Năm hai mươi hai tuổi, trước khi vào Nam, trong nước mắt, Hằng cố kể cho bố những gì đã xảy ra khi cô bảy tuổi. Nghe xong, bố Hằng ngồi im. Sáng hôm sau, ông vào phòng Hằng từ rất sớm, có lẽ cả đêm ông không ngủ. Ông khuyên Hằng coi như “chưa có chuyện gì xảy ra” và dặn cô không được nói với ai khác.
Nghe tới đó, Hằng bật khóc. Chân, tay và vai cô bắt đầu rung lắc một cách mất kiểm soát. Từ đó cho tới tận chiều, những cơn co giật đến và đi như những con sóng. Cuối ngày, Hằng nằm trên cái sofa ở phòng khách, đầu đau như đã bị đập nát, ngực bị bóp nghẹt, sức lực cạn kiệt, liên tục lảm nhảm là cô muốn cái thằng anh họ đấy chết đi và cả cô cũng muốn chết.
Những tuần sau, cô suy sụp khi thấy bố vẫn gọi điện nói chuyện vui vẻ với tay anh họ, vẫn cho hắn vay tiền, như là ông chưa từng nghe những gì cô kể, chưa từng thấy những cơn co giật của cô. Ông không muốn xung đột với bên nội, và Hằng biết ông cũng giấu đồng nghiệp là mình đã ly dị. Là một giáo sư sinh học đầu ngành, có vô cùng nhiều học trò và được ngưỡng mộ như một trí thức lớn, ông muốn giữ một mặt tiền hoàn hảo trước thiên hạ. Thấy tình trạng của Hằng, bố cô đưa cô tới bác sĩ tâm thần. Người ta chẩn đoán cô bị trầm cảm ở mức độ cao. Hằng bắt đầu uống thuốc nhưng bệnh cô không thuyên giảm.
Buổi chiều, Hằng xin nghỉ làm và quay về khu trọ của cô và chồng. Đây là quãng thời gian cô bị trầm cảm nặng nhất. Hằng nằm liệt trong phòng, khóc, đánh, tát bản thân và nghĩ về quá khứ. Chắc cô phải đáng ghê tởm lắm nên tất cả những điều tệ hại mới xảy ra với cô như vậy. Cuộc sống của cô hoàn toàn vô nghĩa, cô chả đem lại được điều gì cho ai, và cũng chẳng có ai bên cạnh. Trong nhóm truyền đạo, mọi người không gần nhau, ai cũng chỉ hướng về Thượng đế.
Hằng nghĩ nhiều tới cái chết. Cô mua bếp ga về, định khi một mình thì sẽ đóng kín phòng, rồi bật nó lên. Cô lên xe khách đi lang thang, định chỗ nào thấy có cầu thì sẽ xuống. Cô nghĩ tới thuốc sâu. Bản thân cũng bị tổn thương nhiều và cũng không biết cách yêu thương người khác, chồng Hằng không biết phải làm gì để giúp cô. “Em đừng nghĩ quẩn nữa, em làm gì để khuây khỏa đi,” đó là tất cả những gì mà anh ấy nói được.
Một buổi tối, nhóm truyền đạo của Hằng bị chặn đường. Trong bóng đêm, Hằng và mấy chị em khác thấy những bóng người vật lộn nhau ở đằng trước. Có tiếng gậy vụt, tiếng chân đá vào bụng, vào ngực, tiếng đầu đập xuống đường, nhưng không có tiếng kêu. Cả người đánh và người bị đánh đều lặng lẽ. Ký ức về những buổi tối với đám xã hội đen nhổ nước bọt và chửi thề trước cổng nhà quay lại cùng sự sợ hãi cùng cực.
Hằng bắt đầu bị hoang tưởng, đi đâu cũng nghe thấy người ta nói xấu mình, muốn đẩy mình ra khỏi nhóm hoặc định hãm hại mình. Cô thường xuyên trốn ở trong phòng và giật mình sợ hãi mỗi khi có tiếng động nhỏ bên ngoài.
Một buổi chiều, Hằng cầm cái kéo to, di đi di lại trên cổ tay mình, nhưng không đủ can đảm để cứa sâu vào da. Cô lập cập, loay hoay với nó cả tiếng đồng hồ, rồi vừa khóc, cô vừa cắt nham nhở mái tóc của mình. Hằng căm ghét bản thân và muốn mình trở nên xấu xí, thân tàn ma dại.
Sau một đêm co quắp và mê sảng, cô nhìn vào gương và kinh hãi. Nếu lần này cô đã phá được mái tóc thì lần tới có thể cô sẽ thành công trong việc kết thúc đời mình. Hằng hiểu rằng mình cần sự trợ giúp.
3. Dũng cảm lên tiếng và đối mặt
Ít lâu sau cái hôm tự cắt tóc nham nhở, Hằng một mình trở về Hà Nội, tiều tuỵ như một bà già, mặc dù lúc này cô mới hai mươi bảy tuổi. Chồng cô ở lại miền Trung, hôn nhân trên giấy tờ của cô còn kéo dài thêm một năm nữa.
Cô ở nhờ nhà mẹ thuê và thỉnh thoảng tới thăm bố. Ông vẫn hay chửi bới, có khi chỉ vì Hằng không mua đúng loại bánh mì ông muốn. Có hôm, Hằng gào lên, “Bố đày đọa con thế này là bố muốn con chết đúng không??? Con sẽ chết cho bố xem!” Bố Hằng cũng điên lên, “Mang dao ra đây, cả hai cùng chết.” Hai người giằng co nhau con dao.
Mức độ hoang tưởng của Hằng nặng lên. Cô hay hoảng loạn tỉnh giấc vì cho rằng ai đó vừa bước vào phòng và chuẩn bị giết mình. Cô liên tục nói với bố, “Con phải kể cho mẹ! Con phải kể cho mẹ chuyện của con!” Rồi Hằng kể cho mẹ, lại trong nước mắt và trong co giật.
Hôm sau, Hằng loáng thoáng thấy bố nói với mẹ ở phòng bên, “Nó cứ diễn… Nó cứ làm quá lên…” Hằng lao ra chắn trước mặt bố, “Bố nghĩ con đã đợi được hai mươi năm rồi thì con đợi thêm được nữa, đúng không?” Giọng cô đầy căm hận và tuyệt vọng. “Con không thể đợi thêm được nữa! Bố phải giải quyết cho con. Con phải gặp nó, phải kể ra hết những gì con đã phải trải qua!”
Hằng hiểu rằng không đòi lại được công lý cho mình thì cô có thể chết bất cứ lúc nào. Cứ thử thôi, cô tự nhủ, không giải quyết được thì chết cũng được, cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa đâu. Đến khi cô doạ sẽ một mình xuống nhà bác kể hết, cả cho vợ con tay kia nghe nữa, bởi cô đâu còn gì để mất, thì bố cô đồng ý tới gặp hắn.
Hằng ra khỏi buổi thiền khi trời đã tối và cái nóng đã dịu xuống. Cô đạp xe chầm chậm dọc phố. Hôm nay, cô mặc một cái váy hoa mỏng ngắn tay và lần đầu tiên đánh nhẹ một chút son. Một năm qua, đã có bao nhiêu điều xảy ra.
Ngày bố Hằng đi gặp tay anh họ, cô bồn chồn như có lửa đốt trong lòng. Chuyện đã xảy ra lâu quá rồi, cô có bằng chứng gì đâu, nhỡ tay đó chối bay? Nhưng hắn nhận hết, và đồng ý gặp Hằng.
Quanh cái bàn cafe hôm đó, Hằng và mẹ ngồi một bên, bố và hắn ngồi một bên. Sau mấy câu thăm hỏi xã giao, tất cả rơi vào im lặng. Nhìn ra khoảng không trước mặt, Hằng bắt đầu nói. Cô kể là hành vi của tay anh họ đã khiến mình căm ghét và nguyền rủa bản thân như thế nào, cô đã đau đớn ra sao mỗi khi thấy hắn vui vẻ trong những buổi cỗ bàn của bên nội, trong những năm tháng qua, cô đã trầm cảm và muốn tìm tới cái chết như thế nào.
Quay sang phía bố, cô nói tuổi thơ của cô đã là địa ngục bởi bị ông trút những cái u uất lên mình. Rằng việc ông thờ ơ nhiều năm mặc dù biết chuyện đã phá huỷ cô không kém hành vi của tay anh họ. Rằng hôn nhân của cô thực ra là một cuộc chạy trốn, và cô đã vô cùng mong bố mẹ ngồi xuống và hỏi han cô về quyết định của mình. Nhưng hôm đó, như mọi lần, mẹ cô nhanh chóng rời đi vì có việc, còn bố cô thì bận bịu đầu óc với việc rút đinh ra khỏi chân.
Qua khoé mắt, cô thấy cả bố và mẹ đều khóc. Liên tục lau mồ hôi tay, tay anh họ nuốt nước bọt và khó nhọc xin lỗi cô. Hắn nói bản thân cũng bị dày vò không ngừng trong những năm qua, và xin được trả chi phí thuốc men của Hằng từ trước tới giờ.
Cuộc gặp mở đầu cho quá trình chữa lành của Hằng. Cô đã đủ dũng cảm để đối mặt với chấn thương, để lên tiếng, chấm dứt sự im lặng và cuộc lẩn tránh kéo dài hai mươi năm. Hai tuần sau, Hằng đăng ký học một lớp về dinh dưỡng, ngừng sự đày đọa bản thân.
4. Kết nối lại với đứa trẻ bên trong
Việc tích cực này dẫn tới việc tích cực khác, ít lâu sau một người bạn ở lớp dinh dưỡng giới thiệu Hằng với thiền. “Khi thở một hơi dài chừng ba hay bốn giây, đặt hết sự chú tâm vào trong hơi thở thì trong thời gian ba hay bốn giây đó ta buông được quá khứ và tự do liền có mặt.” Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn “Tri kỷ của Bụt” và đó đúng là những gì mà Hằng cảm nhận được. “Nếu trong hơi thở của ta có niệm và định thì trong bốn giây đó ta có được tự do.”
Qua thiền, Hằng nhìn sâu được vào trong mình. Hoá ra, từ trước tới giờ cô chỉ sống để làm hài lòng người khác, bố mẹ, thầy cô, anh em trong Hội thánh, để mong được họ quan tâm.
Dừng xe trước cổng nhà bố, Hằng hơi rơm rớm vì xúc động. Mùa xuân năm nay, trong một buổi trị liệu tâm lý, cô được giúp để kết nối với đứa trẻ bên trong mình. Buổi chiều hôm đó, trong tiếng lao xao ngoài đường vọng vào và tiếng nhạc êm ái trong phòng, cô được đưa về tuổi thơ.
Hằng nhìn thấy mình là đứa trẻ bảy tuổi bị mẹ bỏ rơi, tay bám vào chính cái cổng sắt này. Con bé con đáng yêu vô cùng. Hằng lớn cúi xuống, ôm Hằng bé vào lòng, vỗ về nó, lần đầu tiên cô cảm thấy tràn ngập lòng yêu thương bản thân và một sự nhẹ nhõm. “Em bé ơi,” Hằng nói với cô bé, “kể cả khi không có ai thương yêu và quan tâm tới em thì lúc nào chị cũng bên em và thương yêu em.”
Cô bé ngước lên, hai người nhìn vào mắt nhau, cùng mỉm cười và cùng có nước mắt lăn trên má. Rồi hai chị em đưa nhau ra ngoài phố đang có nhiều nắng và lá rơi. Sau buổi đó, Hằng bắt đầu an ủi, vỗ về chính mình. “Cậu không làm gì sai cả, những chuyện xảy ra không phải là lỗi của cậu.” Cô hay tự nói trong lúc là quần áo hay nấu ăn. “Cậu không phải là người vô giá trị, cậu không cần phải rẻ rúng và đầy đọa bản thân.”
Kỳ lạ thay, kết nối với bản thân lại giúp Hằng làm mới kết nối của mình với Thượng đế. Trước kia, có những lúc cô nghĩ Ngài đã bỏ mình. Kể cả ở trong Hội thánh, chưa bao giờ Hằng có cảm giác được sống thật với chính mình. Cô vẫn phải đeo một cái mặt nạ vui vẻ, vẫn phải đè nén các cảm xúc.
Mỗi sáng, khi chắp tay cầu nguyện trong phòng trọ mờ sáng của mình đâu đó ở miền Trung, Hằng cảm thấy Chúa là một đấng siêu việt ở một không gian cao cấp, cách biệt, còn cô chỉ là một sinh vật nhỏ bé và kém cỏi, không thể tiếp cận được Ngài. Giờ đây, Ngài luôn ở bên cạnh cô, ở bên trong cô, cô có thể giao tiếp với Ngài mà không cần phải tới một tổ chức nào cả.
Hằng xin ra khỏi Hội thánh, đó là hội thứ tư mà Hằng đã tìm tới trong những năm qua.
5. Tìm về giá trị của bản thân
Trong bếp, Hằng lần lượt đặt đồ ăn lên bàn. Theo thói quen, bố Hằng bắt đầu cằn nhằn. Hằng giơ một tay lên, giọng cương quyết, “Bố đừng nói những lời tiêu cực với con nữa, đừng tìm cách trút bực dọc lên con nữa. Từ nay con đã khác rồi.”
Bố Hằng dừng lại, mở to mắt ngạc nhiên. Hằng không nhẫn nhục chịu đựng, che giấu cảm xúc của mình nữa, cô hiểu đó không phải là một hình thức của yêu thương. Bố Hằng bỏ ra chỗ khác, cô nhìn theo, biết rằng ông khó thay đổi, nhưng nỗi căm ghét trong cô đã giảm nhiều, cô không bị nó đầu độc nữa. Ông cũng từng là một đứa trẻ bị đánh đập tàn nhẫn, ông cũng đã bị trầm uất bởi hôn nhân lục đục của mình, bên trong ông giờ đây vẫn là sự cô đơn trống rỗng.
Còn trong mẹ, Hằng nhìn thấy nỗi cay đắng vì những cuộc ngoại tình của bố và sự khao khát độc lập tài chính, điều đã đẩy mẹ sa lầy vào con đường nợ nần. Hằng nói với mẹ, “Mẹ không được phép bỏ đi nữa. Mẹ đừng lẩn tránh vấn đề nữa, mẹ phải ở lại đây, dành thời gian cho con.”
Thỉnh thoảng, cô cũng nghĩ tới tay anh họ. Cô nhận ra, từ đầu hè vừa rồi, cô có thể nhớ về quá khứ mà không bị đau đầu hay kích động nữa. Cô nhớ khi ở trên gác, hắn đưa cô cuốn truyện tranh mà cô rất thích, rồi ngồi rất sát vào cô và khi cô ngẩng lên thì bảo, “Tiếp tục đọc đi!” Cô nhớ cảm giác bứt rứt của mình khi tay hắn bắt đầu sờ soạng. Ở dưới nhà vọng lên tiếng cười của bố. Cô nhớ cô kể lại cho bố điều đã xảy ra nhưng lần sau gặp hắn, bố chỉ cười cười và bảo, “Đừng có trêu em như thế nữa nhé.” Cô nhớ những lần tiếp theo cô bị đau và hắn dọa cô không được nói với ai. Tay anh họ ấy, hồi mười bốn tuổi, hắn đã ngu ngốc làm sao.
Một ngày đầu đông, Hằng lấy hai tay nhẹ nhàng vuốt phẳng cái chứng chỉ có tên cô. Cô đã mất nhiều tuần lễ lấy đêm làm ngày, đi qua một khóa học trị liệu tâm lý online từ Canada để có nó. Cô sẽ đóng khung và treo nó lên tường, bên trên cái sofa, chỗ có nhiều ánh sáng nhất. Căn nhà cô mới thuê này sẽ là nơi chốn riêng của cô, tách rời khỏi mẹ.
Giờ đây, Hằng tin rằng sự tồn tại của mình có giá trị. Giá trị đó đến từ việc cô biết yêu thương bản thân, riêng điều đó đã có ý nghĩa cho cộng đồng. Khi một người nhận ra giá trị của bản thân, họ sẽ giúp người khác cũng nhận ra được giá trị của họ. Đó là điều cô muốn làm, sứ mệnh mà cô mới tìm được, giúp người khác nhận ra giá trị của mình. Điều này khiến cô cảm thấy hạnh phúc. Cô tin rằng không phải mình sinh ra để đau khổ.
Giờ đây giấc mơ giúp người khác được chữa lành giống như cô đã được giúp đã tới gần thêm một bước. Đã có một vài người tìm tới cô. Dường như ở cô toát ra điều gì đấy mách bảo họ là giống như họ, cô đã trải qua nhiều đau đớn, đã từng khóc rất lâu trong bóng tối, và cô đã chạm vào được bình an. Họ muốn làm được như cô: kết nối với chính mình và tìm được niềm tin vào cuộc sống. Mẹ Hằng ấn tượng với sự chuyển biến của cô tới mức bà giới thiệu nhiều người quen tới gặp cô để hỏi kinh nghiệm.
6. Hành trình chữa lành chông gai, nhưng giờ đã có sự khác biệt
Những năm qua, Hằng cũng thấm thía là dù đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hành trình của cô không đơn giản. Đôi lúc, cô vẫn vô thức sợ hãi thu người lại khi có ánh mắt nào đó nhìn mình. Nhiều lúc, giọng nói trong đầu cô lại cất lên, “Mi thật đáng ghét! Mi sẽ không bao giờ có hạnh phúc đâu, đừng có cố gắng vô ích,” và trong tích tắc, cô lại thấy mình đang đi lên trên cao để nhảy xuống.
Mới gần đây thôi, khi thăm bố, hai người lại to tiếng. Hằng nhắc nhở ông về ăn uống, bác sĩ đã cảnh báo nhiều lần về mức cholesterol của ông. Bố Hằng vặc lại, “Kệ tao! Ăn gì mà chả béo!” Rồi ông chuyển sang mỉa mai về công việc tương lai của Hằng, “Làm trị liệu tâm lý có kiếm được tiền không? Kiếm được tiền thì hẵng nói. Sau này mày thế nào thì tao cũng không nuôi đâu nhé.”
Ông thật kỳ lạ, thích hành hạ những người quan tâm, chăm sóc mình nhất, những người không thèm quan tâm tới ông thì ông để họ yên. Hằng nói thêm cái gì đó, ông gắt, “Thôi mày im đi!” Người Hằng như muốn nổ tung, cô chạy ra đường, lang thang như một kẻ mất hồn.
Cô gọi cho bạn, nói là mình đang trong cơn hoảng loạn. Cô gọi cho bố, tuôn ra như suối, “Ông có bệnh thì được chăm sóc, còn tôi có bệnh tâm lý thì không được tính là bệnh à? Tôi đang đi ngoài đường một cách không tỉnh táo đây này, tôi đang không biết mình đi đâu đây này. Ông sinh ra tôi để làm gì? Để đày đọa tôi? Ông coi tôi là con vật chứ không phải con người, đúng không? Ông không phải là bố tôi! TÔI KHÔNG CÓ BỐ! Ông còn chửi tôi thêm một câu nữa thì tôi sẽ xuống thẳng nhà anh ông để phanh phui hết chuyện thằng con ông ấy đã làm gì tôi, để cả ông và những con người đó đều đau khổ. Tôi sẽ trả lại hết số tiền mà nó đã đưa tôi. Tôi muốn sự đau khổ này phải được chia sẻ hết cho những người liên quan! CHIA RA HẾT!!!”
Hằng cúp máy, lên bừa một cái xe buýt, lấy máy ra, gọi cho mẹ, gào vào trong điện thoại khiến mọi người quay lại nhìn, “Tại sao mẹ bỏ con lại với người đàn ông đấy? Sao mẹ không chịu đựng ông ấy mà lại bắt con chịu đựng? Con chẳng muốn làm nhà trị liệu nữa đâu, con chẳng muốn gì nữa cả, con làm gì có tương lai gì nữa! Con chỉ muốn chết thôi!”
Cơn khủng hoảng kéo dài ba bốn ngày. Hằng nằm trong nhà, khóc rũ rượi. Cô quyết định ngắt mình ra khỏi nguồn độc hại, chỉ chuyển tiền cho bố nhưng không tới thăm nữa. Đó là sự khác biệt. Trước kia, cô sẽ bị down nhiều tuần lễ và sẽ không đủ dũng cảm để bảo vệ bản thân.
Một tháng nữa là sinh nhật lần thứ hai mươi chín của Hằng. Những năm trước cô không thiết tha gì, ngày sinh của cô trôi qua lặng lẽ. Nhưng lần này, Hằng hồi hộp, chắc là anh ấy, người mà cô đang có cảm tình, sẽ tới. Không còn trôi dạt trong cuộc đời mà không biết mình là ai, mình muốn gì nữa, mong muốn lập gia đình và sinh con trong cô dần mạnh lên. Thần thái mới của cô khiến nhiều nam giới để ý tới cô, điều làm cô ngạc nhiên và thấy dễ chịu. Nhưng Hằng vẫn lo lắng.
Bố cô và tay anh họ, những người đàn ông đầu tiên mà cô biết và đã từng thân thiết, đã khiến cô trở nên ghét và sợ đàn ông. Hơn nữa, trước kia, cô chỉ tìm tới những người cũng bị tổn thương như mình. Cô và họ luẩn quẩn, muốn gần nhau nhưng lại đẩy nhau ra xa, muốn được yêu thương nhưng lại gây sự để bị ghét, được khen thì cho là bị chế giễu, được quan tâm thì nghi ngờ.
Với người bạn mới này, anh ấy có một tuổi thơ bình thường, được bố mẹ quan tâm, lắng nghe, Hằng lúng túng và thấy lạ lẫm. Lớn lên trong sự hỗn loạn của hôn nhân giữa bố và mẹ, liệu cô có biết yêu thương đúng cách và có thể thay đổi được những khuôn mẫu hành xử đã ăn sâu trong mình?
Nghĩ tới đây, Hằng hơi hoảng sợ. Cô có đang ảo tưởng không khi cho rằng mình sẽ có thể sống như một người lành lặn? Sẽ gặp được người đủ kiên nhẫn để cùng đi với mình? Sẽ có một hôn nhân hạnh phúc? Một làn gió thổi nhẹ qua cửa sổ, khẽ lay động tấm chứng chỉ trên bàn. Hằng mở mắt ra, cô nhận ra đầu óc mình đang hỗn loạn.
Như một lời nhắc nhở, làn gió kéo cô về với hiện tại. Phải rồi, quay về với hơi thở, quan sát những lo sợ và hoài nghi đang trỗi dậy trong mình, đó là điều ý nghĩa nhất mà cô có thể làm vào khoảnh khắc này.
*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.
————————————
Chi tiết liên hệ:
Hotline: 096 306 1414
Fanpage: Đường dây nóng Ngày mai
Email: hotlinengaymai@gmail.com

Có thể bạn quan tâm