Trầm cảm cười (Smiling Depression) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng người bị trầm cảm cố che giấu cảm xúc bằng cách tỏ ra hạnh phúc, luôn tươi cười và vui vẻ ở bên ngoài. Theo các chuyên gia, hội chứng này thường xảy ra ở người bị rối loạn trầm cảm kéo dài. Nếu chỉ nhìn vào hành động, người mắc hội chứng trầm cảm cười hầu như không có điểm khác biệt với người bình thường.Cũng chính vì người bệnh luôn che giấu cảm xúc nên chứng bệnh này rất nguy hiểm và khó phát hiện. Đối với người bị trầm cảm, triệu chứng điển hình là buồn chán kéo dài, mệt mỏi, hoảng loạn, mất hứng thú với những thói quen và sở thích trước đây. Việc che giấu cảm xúc bằng nụ cười, biểu cảm hạnh phúc và mãn nguyện khiến người khác khó nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc thật. Cũng chính vì vậy, trầm cảm cười được xem là bệnh tâm lý nặng và nguy cơ cao hơn so với bệnh trầm cảm thông thường. Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, rất có thể dẫn đến hành vi và ý nghĩ tự sát. Hội chứng trầm cảm cười không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Biểu hiện của hội chứng trầm cảm cười
Nhìn bên ngoài, người mắc hội chứng trầm cảm cười không có bất cứ biểu hiện nào khác thường. Ngược lại, sự vui vẻ, hạnh phúc trên khuôn mặt khiến nhiều người nhầm tưởng họ có khả năng kiểm soát cuộc sống, biết cách điều chỉnh cảm xúc và luôn hứng thú trong công việc. Nhưng thực ra, người mắc hội chứng này phải đối mặt với những bất ổn tâm lý và xung đột nội tâm.
N-gười mắc hội chứng trầm cảm cười có thể biểu hiện qua một số dấu hiệu sau:
Luôn năng động, nhiệt huyết và hào hứng trong quá trình học tập và làm việc
Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, thể hiện cuộc sống ổn định và hạnh phúc
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận thấy hội chứng trầm cảm cười cũng có những biểu hiện cảnh báo như:
Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức vào cuối ngày nhưng không rõ nguyên nhân
Có cảm giác miễn cưỡng khi thức dậy vào sáng sớm và khi bắt đầu các hoạt động (vui chơi, lao động, học tập,…)
Đôi khi mất tập trung, trống rỗng trong các cuộc thảo luận nhóm
Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Thay đổi khẩu vị, cân nặng
Một số người có thể không kiểm soát được cảm xúc hoàn toàn, đôi khi có những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, cáu gắt bên cạnh khoảng thời gian cố gắng vui vẻ và lạc quan.
Nguyên nhân gây hội chứng trầm cảm cười
Hội chứng trầm cảm cười và các bệnh rối loạn cảm xúc khác đều chưa tìm được nguyên nhân cụ thể. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm nói chung và trầm cảm cười nói riêng đang có xu hướng tăng lên đáng kể. Nhóm bệnh này được xem là vấn đề y tế đáng lo ngại xếp thứ 4 (theo WHO).
Mặc dù chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nhưng nguy cơ mắc hội chứng trầm cảm cười được xác nhận là có liên quan đến những yếu tố sau:
Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý là tình trạng xúc động mạnh do phải đối mặt với những sự việc quá mức, mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình, công việc, sang chấn do biết bản thân mắc các bệnh nan y như ung thư, nhiễm HIV,… Để tránh sự dò xét từ những người xung quanh, người mắc chứng trầm cảm có thể tự che giấu cảm xúc thông qua các trạng thái cảm xúc tích cực như cười tươi, vui vẻ, lạc quan.
Do ảnh hưởng của nền văn hóa: Ở một số quốc gia, các chứng bệnh về tâm thần nói chung và trầm cảm chưa thật sự được quan tâm. Vì vậy khi mắc rối loạn trầm cảm, bệnh nhân có thể phải đối mặt với sự kỳ thị, ánh mắt dè bỉu, soi xét,… từ những người xung quanh. Để bảo vệ bản thân, người bệnh có thể che giấu cảm xúc thật bằng cách thể hiện sự vui vẻ và lạc quan trong cuộc sống.
Kỳ vọng từ người thân: Hội chứng trầm cảm cười cũng có thể bắt nguồn từ kỳ vọng của người thân, con cái, bạn bè, đồng nghiệp,… Với sự kỳ vọng quá lớn, bệnh nhân không thể biểu hiện cảm xúc thật mà che giấu bằng khuôn mặt hạnh phúc, sự hào hứng và năng nổ khi học tập, làm việc.
Các yếu tố khác: Tương tự như chứng trầm cảm thông thường, trầm cảm cười cũng có thể liên quan đến những yếu tố như sự bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, do tổn thương thực thể ở não,… Các yếu tố này gây ra rối loạn trầm cảm. Dưới tác động của kỳ vọng từ người thân và ảnh hưởng của nền văn hóa, bệnh nhân có xu hướng che giấu cảm xúc dẫn đến hội chứng trầm cảm cười.
Mức độ nghiêm trọng
So với chứng trầm cảm thông thường, trầm cảm cười có mức độ NGHIÊM TRỌNG HƠN do khó nhận biết và phát hiện. Đa phần bệnh nhân mắc chứng bệnh này đều phải một mình đối mặt với những mâu thuẫn và xung đột nội tâm. Tương tự như các chứng bệnh tâm thần khác, hội chứng trầm cảm cười tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Hơn nữa vì che giấu cảm xúc quá lâu nên nguy cơ tự sát ở người mắc hội chứng này sẽ cao hơn so với người bị trầm cảm thông thường. Tuy nhiên, những người xung quanh vẫn có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường nếu đặc biệt chú ý đến hành vi và cảm xúc.Bạn có nhận thấy ai xung quanh mình có những biểu hiện của hội chứng này hay không? Hãy quan tâm, chia sẻ và lắng nghe họ nhiều hơn nhé.