Nỗi buồn cũng mang lại nhiều lợi ích nhất định như giúp ta dễ chấp nhận những sự kiện khó khăn và kết nối với mọi người tốt hơn. Song, nhận thức này cũng không làm cho nỗi buồn dễ nuốt trôi hơn mấy.
Mọi người cảm thấy buồn vì nhiều lý do – nhưng bạn cũng có thể cảm thấy buồn mà không có lý do nào. Đơn giản chỉ là một ngày nhạy cảm hơn bình thường do thay đổi nội tiết tố, căng thẳng (stress), thiếu ngủ hoặc đói. Cũng có thể nguyên nhân sâu xa tới từ một tổn thương tâm lý vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, một thất vọng nhỏ đã lâu nhưng khiến bạn buồn phiền nhiều hơn bạn nghĩ, hoặc trầm cảm. Chúng ta không nhất định phải tìm kiếm lý do chính xác, nhưng đôi khi, việc gọi tên nguyên nhân có thể giúp bạn giải quyết những vướng mắc hoặc kịp thời ngăn chặn các vấn đề tâm lý trầm trọng.
Chúng ta bối rối khi người thân, bạn bè, đồng nghiệp thường xuyên “buồn không lý do”, trước hết hãy hiểu rằng họ cũng bối rối và không muốn điều đó xảy ra. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp đỡ họ những lúc như thế này:
- Đừng nói ba từ cấm kỵ “Đừng buồn nữa”.
- Gợi ý đi đâu đó để phân tán nỗi buồn. Vì vận động nhẹ nhàng giúp giải phóng những hormone vui vẻ, dần dà giúp bạn thay đổi tâm trạng.
- Bật một bản nhạc hay. Âm nhạc có thể an ủi hoặc truyền năng lượng mỗi khi bạn thấy buồn. Âm nhạc còn làm ảnh hưởng đến sự lên xuống của hormone, giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu và căng thẳng.
- Tôn trọng cảm xúc của đối phương. Nỗi buồn không có lỗi, và như niềm vui, chúng đến rồi đi. Việc chấp nhận cảm xúc của bản thân và đối phương là cách để thực hành lòng tự trắc ẩn.
- Dành thời gian ở ngoài trời. Đi dạo trong công viên để đổi gió hay chở nhau ra hồ Tây đón hoàng hôn. Ở cạnh thiên nhiên sẽ giúp chúng ta thấy dễ nguôi ngoai và thư thái hơn, từ đó cải thiện tâm trạng và giảm trầm cảm.
Ngày mai mong bạn đủ kiên nhẫn với chính mình, vì nỗi buồn đến rồi cũng sẽ đi.
—
Source: Psych Central